Để quản lý chất thải nguy hại cũng như bảo vệ môi trường sống, để thực hiện các hoạt động sản xuất mà không bị vi phạm pháp luật. Điều mà các doanh nghiệp cần đó là lập Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Vậy hồ sơ môi trường này lập như thế nào ? Quy trình thực hiện ra sao ? Hãy nhấc máy gọi cho chúng tôi.
Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại là hồ sơ môi trường mà các cá nhân, tổ chức sở hữu hoặc điều hành các tổ chức kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải nguy hại phải đăng ký để được cấp phép kinh doanh, thực hiện vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại theo quy định của thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các hoạt động xử lý rác thải là các hoạt động liên quan đến việc phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu, phân định, phân loại, tái sử dụng, lưu trữ, vận chuyển và xử lý chất thải.
Căn cứ pháp lý liên quan đến việc đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại
– Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13.
– Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
– Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Tại sao phải đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại ?
Đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại giúp cho các nhà quản lý môi trường có thể nắm bắt toàn bộ quy trình xử lý rác thải của các doanh nghiệp , đơn vị hoạt động sản xuất thông qua việc lập hồ sơ, báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền.
– Bộ Tài nguyên và môi trường đã yêu cầu tất cả doanh nghiệp đã đi vào hoạt động có phát sinh ra chất thải nguy hại trong quá trình kinh doanh, sản xuất với chủng loại và số lượng được quy định tại thông tư 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên Môi trường phải đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
Đối tượng phải thực hiện đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại
Đối tượng lập chủ yếu là các doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động liên quan đến chất thải như: dầu nhớt, bóng đen, mực in, bình ắc quy,…
Ngoài ra, Quy định tại điều 2 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT áp dụng đối với những đối tượng sau:
– Các cơ quan nhà nước, cơ sở sản xuất, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến việc phát sinh chất thải nguy hại, quản lý chất thải nguy hại trên lãnh thổ Việt Nam.
– Một số trường hợp mà chủ nguồn chất thải nguy hại phải đăng ký cấp lại sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại được quy định tại điều 15 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
Hồ sơ cần thiết và thời gian giải quyết về việc đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại
– 1 đơn đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo mẫu tại phụ lục 1A, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, hoặc các giấy tờ liên quan khác. (Bản sao)
– Quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường định kỳ, kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc các giấy tờ liên quan đến môi trường khác nếu có.(Bản sao)
– Đối với trường hợp đăng ký lại sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại cần phải có Bản gốc sổ chủ nguồn chất thải nguy hại đã đăng ký trước đó.
– Tổng số lượng hồ sơ cần đăng ký: 2 bộ hồ sơ.(hồ sơ đóng thành quyển phải có danh mục kèm theo)
Thời gian giải quyết:
– Kiểm tra, xem xét sự đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và thông báo các cá nhân, tổ chức bổ sung, sửa đổi hồ sơ (nếu có): tối đa 10 ngày.
– Thẩm định và cấp sổ chủ nguồn chất thải nguy hại: tối đa 14 ngày.
Lưu ý: thời gian giải quyết không tính thời gian tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung.
Quy trình thực hiện việc đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại
– Xác định chủng loại, khối lượng nguyên liệu sản xuất.
– Xác định nguồn và khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất.
– Xác định nguồn và khối lượng phát sinh của các loại chất thải khác.
– Lập hồ sơ đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho cơ sở.
– Trình nộp cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cấp phép.
Danh mục phân loại chất thải nguy hại trong sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại
1. Chất thải từ ngành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, dầu khí và than
2. Chất thải từ quá trình sản xuất, điều chế, cung ứng và sử dụng hoá chất vô cơ
3. Chất thải từ quá trình sản xuất, điều chế, cung ứng và sử dụng hoá chất hữu cơ
4. Chất thải từ nhà máy nhiệt điện và các cơ sở đốt khác
5. Chất thải từ ngành luyện kim và đúc kim loại
6. Chất thải từ ngành sản xuất vật liệu xây dựng và thuỷ tinh
7. Chất thải từ quá trình xử lý, che phủ bề mặt, gia công kim loại và các vật liệu khác
8. Chất thải từ quá trình sản xuất, điều chế, cung ứng, sử dụng các sản phẩm che phủ (sơn, véc ni, men thuỷ tinh), chất kết dính, chất bịt kín và mực in
9. Chất thải từ ngành chế biến gỗ, sản xuất các sản phẩm gỗ, giấy và bột giấy
10. Chất thải từ ngành chế biến da, lông và dệt nhuộm
11. Chất thải xây dựng và phá dỡ (bao gồm cả đất đào từ các khu vực bị ô nhiễm)
12. Chất thải từ các cơ sở tái chế, xử lý chất thải, nước thải và xử lý nước cấp
13. Chất thải từ ngành y tế và thú y (trừ chất thải sinh hoạt từ ngành này)
14. Chất thải từ ngành nông nghiệp
15. Thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã hết hạn sử dụng và chất thải từ hoạt động phá dỡ, bảo dưỡng thiết bị, phương tiện giao thông vận tải
16. Chất thải hộ gia đình và chất thải sinh hoạt từ các nguồn khác
17. Dầu thải, chất thải từ nhiên liệu lỏng, chất thải dung môi hữu cơ, môi chất lạnh và chất đẩy (propellant)
18. Các loại chất thải bao bì, chất hấp thụ, giẻ lau, vật liệu lọc và vải bảo vệ
19. Các loại chất thải khác