Trong những năm qua, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở nước ta rất phổ biến. Các loại hoá chất sử dụng bao gồm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, trong đó đặc biệt nguy hiểm là nhóm hữu cơ khó phân hủy (POP). Nhóm chất này bao gồm: aldrin, chlordane, DDT,… Những chất này đã bị cấm sử dụng từ năm 1992. Tuy nhiên, các kho bãi chứa hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) có từ trước lệnh cấm vẫn tồn tại và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống con người. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong số hơn 1.100 địa điểm bị ô nhiễm hóa chất BVTV thuộc nhóm POP, có tới 289 kho chứa nằm rải rác tại 39 tỉnh trong cả nước, tập trung chủ yếu ở Nghệ An, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Trong số này, có tới 89 điểm đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do tình trạng kho bãi xuống cấp và rò rỉ hóa chất. Đây là những hợp chất hữu cơ độc đứng đầu bảng danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm. Các chất thải hữu cơ bền này luôn tiềm tàng trong không khí, thức ăn nước uống sinh hoạt hàng ngày, những hoá chất này không phân huỷ mà theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt. Phó giáo sư, tiến sĩ, Nguyễn Văn Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Đó là những chất hữu cơ bền (POP) có độc tố cao nhưng lại rất bền trong môi trường, rất khó phân hủy sinh học. Cái này chắc chắn gây hại rất lớn bởi vì đây là 1 tác nhân gây ung thư điển hình.
Tổng số các loại hoá phẩm nông nghiệp hiện được lưu trữ có thể hơn 37 nghìn tấn, trong đó có 53% được lưu trữ tại khu vực đồng bằng Mê Kông. Bên cạnh các kho lưu trữ, theo điều tra tại 39 tỉnh thành trong cả nước thì có đến hơn 730 nghìn hoá phẩm nông nghiệp không nhãn mác, bao gồm các chai lọ bằng nhựa, thuỷ tinh hay kim loại. Những hoá phẩm này hiện đang vứt bỏ không đúng cách hoặc vẫn được sử dụng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của cộng đồng dân cư. Ông Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cho biết: Mặc dù Bộ NN&PTNT đã cấm nhưng nó vẫn còn tồn kho ở đâu đó hoặc buôn lậu qua đường biên giới vào Việt Nam. Nông dân nên tiếp tục sử dụng nó và tạo ra một mối đe dọa khác cho cộng đồng.
Nhằm xử lý các kho thuốc bảo vệ thực vật POP tồn lưu, bộ TN&MT đã khởi động các hoạt động của dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất bảo vệ thực vật POP tồn lưu tại Việt Nam”. Trong đó, dự án sẽ tập trung nâng cao năng lực xử lý và xử lý triệt để các kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, ngăn ngừa việc nhập khẩu và sử dụng trái phép các hóa chất bảo vệ thực vật thuộc nhóm POP. Theo ông Hồ Kiên Trung, Trưởng phòng Cải thiện môi trường, Cục quản lý chất thải và cải thiện môi trường, Bộ TN&MT, dự kiến đến khi kết thúc dự án, khoảng 150 tấn hóa chất BVTV thuộc nhóm POP sẽ được tiêu hủy một cách an toàn. Đồng thời, các cơ quan liên quan sẽ có đủ năng lực để xử lý các kho bãi được phát hiện thêm và kiểm soát hiệu quả việc nhập khẩu, sử dụng trái phép các hóa chất BVTV thuộc nhóm POP.
Để giải quyết các vấn đề tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật ngoài việc giải quyết các nội dung của ngành nông nghiệp thì cần có sự phối hợp liên ngành nhằm giải quyết, ngăn chặn ngay tình trạng nhập lậu thuốc bảo vệ qua biên giới. Đây là vấn đề giải quyết mang tính bền vững ở nước ta hiện nay. Ngoài ra, nhà nước cũng cần tạo điều kiện cơ sở vật chất, đất đai thuận tiện cho việc lưu giữ thuốc BVTV quá hạn sử dụng và nhập lậu qua biên giới. Các cơ sở cũng cần phải lựa chọn công nghệ tiêu huỷ thuốc BVTV tồn đọng một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện của nước ta./.