Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết mỗi năm xử phạt trên 300 vụ vi phạm về phân bón kém chất lượng, phân bón giả, phân bón nhái nhãn hiệu…
Tuy nhiên, các mức xử phạt trong Nghị định 15/2010 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực phân bón lại quá nhẹ, phạt phần ngọn mà chưa xử lý phần gốc.
Có loại phân bón của một doanh nghiệp bị phát hiện kém chất lượng. Đầu tiên là Chi cục QLTT TP.HCM xử phạt. Sau đó bị QLTT tỉnh Tây Ninh xử phạt. Sau đó lại đến QLTT tỉnh Đắk Lắk xử phạt. Rồi lại đến QLTT tỉnh Lâm Đồng xử phạt! Mỗi lần xử phạt chỉ cách nhau có vài tháng.
Vấn đề là phân bón được phát hiện tại các đại lý nên đại lý ở từng tỉnh bị xử phạt riêng lẻ vì kinh doanh phân bón kém chất lượng. Trong khi doanh nghiệp sản xuất phân bón này thì không bị xử lý gì.
Một doanh nghiệp sản xuất phân bón lâu năm khá bức xúc trước việc xử phạt nhẹ hều các doanh nghiệp trục lợi. Doanh nghiệp này cho biết làm phân bón giả, phân bón dỏm lời kinh khủng mà xử phạt nhẹ re thì người ta xung phong vi phạm! Lẽ ra quy định mức phạt phải nặng hơn, buộc xử lý tới nơi tới chốn, lần tới tận đơn vị sản xuất. Không thể phát hiện ở đại lý nào thì chỉ phạt đại lý đó, xử phần ngọn mà bỏ lọt phần gốc. Ngoài ra còn phải xử lý hình sự chủ doanh nghiệp nào sản xuất phân dỏm, phân giả.
Khi chúng tôi hỏi cơ quan QLTT vì sao không công bố tên tuổi những doanh nghiệp, đại lý phân bón vi phạm, tên loại phân dỏm lên báo chí, website để bà con nông dân tránh xa? Câu trả lời chung chung là doanh nghiệp đã bị xử phạt rồi, không cần bêu tên nữa. Bởi thế doanh nghiệp vi phạm, nộp phạt xong lại ung dung vi phạm tiếp, nông dân nào có biết ai tốt, ai xấu, cứ mua phân bón mà dùng.
Sắp tới, Cục Trồng trọt sẽ có kiến nghị sửa đổi Nghị định 15/2010 theo hướng tăng mức xử phạt. Hy vọng những thay đổi này có thể chấn chỉnh thị trường phân bón thời gian sau.