Sáng 16/3 tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội thảo “Khung pháp lý nhằm quản lý ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) POP tồn lưu”. Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến tới dự và khai mạc hội thảo. Cùng dự có đại diện các Bộ, ngành, các Sở TN&MT…
Theo thống kê mới nhất của Bộ TN&MT, trong số hơn 1.153 địa điểm bị ô nhiễm hóa chất BVTV thuộc nhóm POP, có tới 289 kho chứa nằm rải rác tại 39 tỉnh trong cả nước, tập trung chủ yếu ở Nghệ An, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Trong số này, có tới 89 điểm đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do tình trạng kho bãi xuống cấp và rò rỉ hóa chất. Đây là những hợp chất hữu cơ độc đứng đầu bảng danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm. Các chất thải hữu cơ bền này luôn tiềm tàng trong không khí, thức ăn nước uống sinh hoạt hàng ngày, những hóa chất này không phân huỷ mà theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt.
Trước tình hình ô nhiễm môi trưởng do hóa chất BVTV tồn lưu, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, quyết sách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu các tác hại của loại hóa chất này. Gần đây nhất, Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đã được Quốc hội thông qua, trong đó có nội dung khắc phục các khu vực ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu. Trước đó, năm 2010, Chính phủ cũng phê duyệt “Kế hoạch phòng ngừa, xử lý cải tạo và phục hồi môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên cả nước” tại Quyết định 1964 và giao Bộ TN&MT theo dõi, giám sát và triển khai.
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đánh giá: Sau 2 năm thực hiện, công tác quản lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều dự án xử lý ô nhiễm đã được xây dựng và triển khai, bước đầu góp phần ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, để đạt được mục tiêu đến năm 2015 sẽ xử lý dứt điểm 240 điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất BVTV tồn lưu cần có các giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa. Trước hết, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tạo điều kiện để xây dựng và triển khai các dự án cụ thể trên phạm vi cả nước.
Tính đến nay đã có 12 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu, các văn bản pháp luật đã kịp thời góp phần kiểm soát các tác động tiêu cực của hóa chất đối với môi trường sinh thái và sức khỏe con người.
Các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, để giải quyết các vấn đề tồn lưu hóa chất BVTV cần có sự phối hợp liên ngành nhằm giải quyết, ngăn chặn ngay tình trạng nhập lậu thuốc bảo vệ qua biên giới. Đây là vấn đề giải quyết mang tính bền vững ở nước ta hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cơ sở vật chất, đất đai thuận tiện cho việc lưu giữ thuốc BVTV quá hạn sử dụng và nhập lậu qua biên giới.