Việt Nam hướng đến phát triển năng lượng tái tạo

Last Updated on

Những năm gần đây, Việt Nam có tỉ lệ dân số được tiếp cận với nguồn điện khá cao do lưới điện quốc gia và một số lưới điện trên đảo cung cấp điện cho cộng đồng và đến 99% các hộ gia đình, nhưng vẫn còn đi sau nhiều quốc gia khác về hiệu quả năng lượng và khai thác năng lượng tái tạo không phải là thủy điện.

Chính vì vậy, thời gian tới Việt Nam cần hướng đến phát triển tầm nhìn năng lượng dài hạn mới nhằm tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hiện đại hóa ngành công nghiệp.

* Nguyên nhân do đâu

Thực tế cho thấy, nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào năng lượng và ngoài thủy điện, các loại năng lượng tái tạo khác ít được sử dụng tại Việt Nam. Trong khi đó, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phát điện trong các ngành công nghiệp và giao thông vận tải đang tăng nhanh, Việt Nam hiện trở thành quốc gia nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Theo Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh, điện than được dự báo sẽ là chiếm hơn một nửa trong hệ thống điện vào năm 2030 (một nửa lượng than được sử dụng sẽ là than nhập khẩu) và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, hệ thống điện sẽ bao gồm hơn 40% năng lượng tái tạo và thủy điện lớn vào năm 2050.

Việt Nam đã có một số chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả như điện gió, sinh khối, phát điện từ chất thải và điện mặt trời, tuy vậy tỉ lệ khai thác vẫn rất thấp, không thực sự hiệu quả. Quy mô của các dự án rất nhỏ, một phần do giá bán điện lên lưới thấp, quy định cụ thể về quản lý và kỹ thuật vẫn còn thiếu và yếu. Hiện hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm đến nguồn cung cấp điện ổn định hơn là giá điện do các máy phát dự phòng có giá thành cao. Các chương trình và dự án hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến năng lượng vẫn còn hạn chế và các ngân hàng thương mại hầu như không quan tâm đến việc cấp vốn cho các dự án hiệu quả năng lượng.

Cải cách ngành điện chưa tập trung vào việc mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, quá trình cải cách vẫn còn chậm chưa tạo ra thị trường bán buôn bán lẻ điện hoàn toàn cạnh tranh và sử dụng năng lượng có hiệu quả. Thị trường năng lượng Việt Nam chủ yếu bị các tập đoàn Nhà nước chi phối và gần như độc quyền như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN)…Các doanh nghiệp Nhà nước không minh bạch, khiến cho sự tham gia của các đơn vị khai thác và đầu tư tư nhân trở nên khó khăn. Việc thiếu các quy định cụ thể về mặt kỹ thuật và quản lý cũng kìm hãm sự phát triển của năng lượng tái tạo phi thủy điện bao gồm “phân phối điện năng” ví dụ như hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà yêu cầu phải có quy định về “đo tổng năng lượng”.

Hơn nữa, cơ sở hạ tầng và nhân lực thiếu cũng là nguyên nhân hạn chế thị trường năng lượng tái tạo. Hiện lưới điện Việt Nam có khả năng tiếp nhận một lượng nhỏ năng lượng từ nguồn tái tạo phi thủy điện, tuy vậy để triển khai trên quy mô lớn đòi hỏi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối; trang thiết bị “lưới điện thông minh” để quản lý cung cầu tốt hơn và khả năng lưu trữ thêm như thủy điện tích năng. Nhân lực phục vụ cho quản lý hệ thống xây dựng, vận hành và bảo trì năng lượng tái tạo phi thủy điện, cả diện phân phối cũng như tập trung vẫn còn hạn chế ở cấp chính quyền trung ương cũng như địa phương, các công ty con của EVN, công nghiệp năng lượng tư nhân và cơ sở địa phương.

Ngoài ra, việc hạn chế đầu tư trực tiếp của nước ngoài và tư nhân vào các phương thức sử dụng năng lượng tái tạo phi thủy điện và năng lượng hiệu quả tại Việt Nam dẫn đến hiệu quả sử dụng năng lượng thấp, thuế bán lẻ điện thấp. Các doanh nghiệp Nhà nước sử dụng ngân sách tốn kém nhưng lợi nhuận thấp, biểu giá điện hỗ trợ cho năng lượng tái tạo (FiT) còn thấp và chưa có thuế môi trường, chưa áp dụng phí cacbon đối với sử dụng nhiên liệu hóa thạch, không có cơ chế hỗ trợ giảm chi phí năng lượng tái tạo, ví dụ như “đấu giá ngược” hay “tiêu chuẩn danh mục đầu tư năng lượng tái tạo” và các điều kiện đầu tư có rủi ro cao do các điểm yếu về mặt pháp lý như “hợp đồng mua bán điện” tiêu chuẩn.

* Phát triển tầm nhìn năng lượng dài hạn mới

Mới đây, tại hội thảo “Chuyển đổi năng lượng đảm bảo công bằng xã hội tại Việt Nam”, các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để nâng cao khả năng tiếp cận năng lượng và hiệu quả năng lượng, giải phát thải khí nhà kính và hướng đến 100% năng lượng tái tạo, Việt Nam cần tầm nhìn năng lượng phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam. Điều này có thể giảm chi phí cho người tiêu dùng và tăng trưởng GDP, tạo nhiều việc làm, hỗ trợ những cộng đồng và hộ gia đình nghèo tiếp cận với năng lượng, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới mang lại môi trường địa phương sạch hơn.

Hơn nữa, đầu tư vào khả năng dự trữ năng lượng và lưới điện cũng là điều kiện cần thiết. Việt Nam phải chuyển dịch sang hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, gió và sinh khối “phân tán”. Dựa trên cơ sở nghiên cứu vững chắc cần thuyết phục các “lợi ích nhóm” thấy được hiệu quả năng lượng có thể tự sinh lợi, giao thông vận tải sử dụng điện là tương lai, năng lượng tái tạo nhiều và có thể rẻ, phí các bon mang lại lợi ích cho tài chính và tăng trưởng công. Các nhóm thu nhập thấp có thể được hưởng lợi từ việc chuyển đổi năng lượng, sự phụ thuộc vào năng lượng sẽ giảm tạo ra việc làm, môi trường được nâng cao và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần tăng sự minh mạch về tài chính và kỹ thuật của các tập đoàn Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nhằm giúp xây dựng niềm tin, cho phép cạnh tranh bình đẳng hơn, nâng cao hiệu suất và có lợi cho người tiêu thụ. Cần có một khung chính sách để tăng sức ép cạnh tranh trong thị trường xăng dầu và cải cách ngành điện. Theo đó, đòi hỏi việc chia tách EVN, Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) trở nên độc lập và mạnh mẽ hơn cũng như các mục tiêu về tỉ lệ năng lượng tái tạo với các công cụ chính sách như hạn ngạch năng lượng tái tạo(RPS). Nâng cao năng lực của ERAV và các cơ quan địa phương nhằm thực thi các quy định về điện tái tạo; các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ ở vùng sâu vùng xa về các giải pháp hiệu quả năng lượng và các giải pháp năng lượng tái tạo như khí sinh học, bình nước nóng mặt trời, điện mặt trời hoặc có thể sử dụng các phương pháp lập kế hoạch năng lượng địa phương (LEP).

Đồng thời, cần thêm các quy chuẩn và cơ chế hỗ trợ để triển khai năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng. Cụ thể, việc phát triển năng lượng tái tạo đòi hỏi quy định kỹ thuật và hành chính. Ví dụ, quy trình cấp phép các nhà máy điện tái tạo phải được đơn giản hóa, cần có hướng dẫn về đồng phát sinh khối trong các nhà máy nhiệt điện than, giá bán điện FiT hiện thời cần phải được điều chỉnh và quy định về đấu giá quyền đầu tư vào các công suất (lắp đặt) điện tái tạo nhất định phải được ban hành, cho phép các hợp đồng mua bán điện “trực tiếp” và cần ban hành quy trình đơn giản đối với chế độ công tơ tổng (chế độ thanh toán bù trừ) đối với các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà nối lưới, có tính đến các hệ thống cộng đồng.
Diệu Thúy -TTXVN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *