Ngành phân bón: Xây dựng môi trường xanh

Last Updated on

Nhận thức được sự nguy hại của ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, nhiều năm qua, các doanh nghiệp ngành phân bón đã nỗ lực tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm…

Theo lãnh đạo Công ty CP phân lân Ninh Bình, từ năm 2003, công ty đã chú trọng đến công tác xử lý môi trường, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đầu tư hàng tỷ đồng cải tạo thiết bị, máy móc, quy trình vận hành thiết bị công nghệ để đảm bảo an toàn môi trường sản xuất và môi trường dân sinh. Cụ thể: Với lượng nước thải phát sinh từ 2.000 – 3.700 m3/ngày, công ty đã sử dụng 1,5 – 2 tấn vôi củ/ngày để tôi và hòa thành sữa vôi xử lý nước thải. Nước thải sau xử lý một phần được tuần hoàn tái sử dụng rửa nguyên liệu, rửa bụi trong các tháp, giảm tối đa lượng nước thải ra môi trường. Đối với khí thải, do công nghệ sản xuất phân lân nung chảy bằng phương pháp lò cao nên trong quá trình sản xuất phải cấp gió vào lò để đốt than làm nung chảy quặng apatit và phụ gia khác… gây phát sinh khí thải trong sản xuất (chủ yếu là khí CO2, CO, H2S, SO2)… Công ty đã đầu tư chiều sâu cải tạo hệ thống thiết bị công nghệ lò cao; cải tạo thiết bị công nghệ thu khí, lọc khí, rửa khí, đốt khí, đảm bảo nồng độ khí thải đúng quy định… Ngoài ra, công ty đã đầu tư các thiết bị kiểm tra, giám sát về môi trường sản xuất như: Thiết bị đo khí, phòng đo hóa phân tích; đầu tư các hệ thống băng chuyền vận chuyển sản phẩm nhập kho, thay thế xe nâng, nhằm giảm bụi, cải thiện điều kiện môi trường làm việc cho công nhân…

Là DN chuyên sản xuất phân đạm và hóa chất lớn nhất cả nước, Công ty TNHH Một thành viên phân đạm và hóa chất Hà Bắc có nhu cầu sử dụng than, điện rất lớn. Theo tính toán, trung bình mỗi giờ, công ty sử dụng hết khoảng 32.500 kW. Trong khi đó, nhiều thiết bị, máy móc của công ty đã cũ, sử dụng lâu ngày nên tiêu tốn điện năng… Để tiết kiệm năng lượng, công ty đã thành lập tổ quản lý năng lượng, thường xuyên thực hiện kiểm toán năng lượng. Năm 2011, công ty thực hiện thành công đề tài khoa học “Lập phương án và thực hiện hiệu chỉnh chế độ đốt cháy một số lò hơi ở xưởng nhiệt sau đại tu”. Trước đây, sau mỗi kỳ đại tu, công ty phải thuê chuyên gia ở nước ngoài về hiệu chỉnh chế độ hoạt động của lò. Đến nay, công ty đã tự làm chủ kỹ thuật, kịp thời điều chỉnh các thông số kỹ thuật, chế độ hoạt động của các lò hơi mà không cần thuê chuyên gia bên ngoài. Nhờ đó, năm 2011, công ty đã tiết kiệm được 9.958 MWh so với định mức kế hoạch, tương ứng 13,94 tỷ đồng. Riêng quý I/2012, tổng lượng điện tiết kiệm là 2.798 MWh so với định mức kế hoạch, tương ứng với 4,62 tỷ đồng.

Công ty CP phân lân nung chảy Văn Điển là doanh nghiệp điển hình vì có nhiều sáng kiến và giải pháp khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ môi trường và sản xuất sạch. Ông Hoàng Văn Tại – Tổng giám đốc công ty – cho biết, trong quá trình sản xuất, công ty phải đối mặt với 3 vấn đề chính về môi trường là: Xử lý chất thải rắn, khí thải và nước thải. Phát huy sức mạnh nội lực, công ty đã nghiên cứu đưa các công nghệ thiết bị tiên tiến cũng như các giải pháp khoa học vào sản xuất, từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường… Đặc biệt, công ty đã nghiên cứu sản xuất lân hạt và sản xuất NPK chuyển từ dạng viên sang dạng trộn hạt khô, giảm tối đa lượng bụi, tiếng ồn, lượng khí thải do không phải nghiền mịn sản phẩm lân. Bên cạnh đó, công ty cũng tăng cường các biện pháp quản lý như: gắn chặt việc đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường với lương thưởng, trồng cây xanh, biến nơi sản xuất thành công viên xanh; áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm điện năng…

Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường và đưa vào chiến lược phát triển của công ty như: Công ty CP phân bón miền Nam; Công ty CP phân bón và hóa chất dầu khí Đông Nam bộ…

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *