Công nghệ xanh: Chiến lược lợi nhuận mới cho DN

Last Updated on

Với khả năng tăng năng suất, tiết kiệm vòng đời sản phẩm, tăng tính bền vững và những chính sách ưu đãi từ chính phủ, ngày càng có nhiều công ty trên thế giới áp dụng công nghệ xanh vào sản xuất, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường, mà nhằm gia tăng tối đa lợi nhuận.

Bài học từ cửa hàng hamburger lớn nhất Thụy Sỹ

Mọi người thường cho rằng những lời kêu gọi hướng tới một “hành tinh xanh, kinh tế xanh” chỉ đến từ những chính trị gia hay những tổ chức bảo vệ môi trường. Nhưng trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp, từ nhỏ đến lớn, bắt đầu áp dụng công nghệ xanh vào hoạt động của mình để hướng tới một mô hình bền vững với lợi nhuận cao hơn.

Max Burgers – chuỗi cửa hàng ăn nhanh nổi tiếng của Thụy Sỹ, đã bắt đầu thực hiện các chính sách “xanh” cùng với chiến dịch kinh doanh của mình từ năm 2006. Cửa hàng chỉ mua duy nhất năng lượng từ sức gió và bù đắp toàn bộ lượng CO2 mình thải ra bằng cách trồng một lượng cây tương đương tại Uganda. Cửa hàng cũng đưa ra những chính sách để cắt giảm bớt 20% lượng điện tiêu thụ.

Đến năm 2008, Max đưa thêm nhãn CO2 vào trong thực đơn của mình, với thông số chính xác về lượng CO2 trong từng gói khoai chiên hay trong mỗi món ăn. Cửa hàng cũng đồng thời đưa ra cảnh báo về việc sản xuất thịt bò trong các loại burger tạo ra lượng CO2 cao gấp 5 lần so với các loại burger chay và 6 lần so với sandwich cá. Bằng những chỉ báo này, cửa hàng hy vọng khách hàng sẽ có những lựa chọn phù hợp hơn.

Và họ đã thành công. Khách hàng khi tới Max Burgers bắt đầu lựa chọn những loại burger không có thịt bò còn doanh số các loại burger ít tạo ra CO2 hơn tăng 16%. Nhờ vào chiến lược này, Max Burgers đã tăng trưởng mạnh.

Từ năm 2005 đến năm 2011, Max đã mở thêm 45 cửa hàng mới và tăng gấp đôi thị phần tại Thụy Sỹ. Năm 2008 – năm mà cửa hàng thêm nhãn CO2 vào trong thực đơn của mình – Max trở thành chuỗi cửa hàng burger được nhiều người tìm đến nhất Thụy Sỹ, vượt qua Mc Donald bất chấp việc Mc Donald có số lượng cửa hàng nhiều gấp 3 lần Max tại Thụy Sỹ.

Những sáng kiến xanh thực sự đem lại lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh cho công ty. Theo một cuộc điều tra của Mindshare, những sáng kiến xanh đã tăng cường lòng trung thành của khách hàng đối với sản phẩm của Max, đồng thời tăng thêm 27% lượng khách trong giai đoạn từ 2007 – 2009. Thêm vào đó, họ còn thu về những khách hàng mới. Những người ăn chay giờ đây cũng tìm đến Max burger để thưởng thức Greenburgare, salad đậu hay sữa dâu lắc.

Với lợi nhuận hàng năm lên đến 16%, Max trở thành một trong những cửa hàng có lợi nhuận cao nhất nước. Hiện tại, cửa hàng này đang mở rộng dịch vụ sang Nauy và các quốc gia thuộc EU.

Chiến lược sử dụng công nghệ xanh

Max Burgers không phải là doanh nghiệp duy nhất triển khai các chiến lược xanh vào trong sản phẩm của mình. Nhìn thấy lợi nhuận cũng như khả năng phát triển bền vững từ việc áp dụng công nghệ xanh, nhiều công ty lớn trên thế giới cũng đang áp dụng các mô hình tương tự. Chẳng hạn như General Electric (GE). Kể từ năm 2006, công ty này đã bán được 12 tỉ USD sản phẩm có lợi cho môi trường (bao gồm cả pin mặt trời). GE cũng đang tiến hành làm sạch con sông Hudson mà mình từng làm ô nhiễm.

Starbucks cũng là một ví dụ điển hình. Bằng việc sử dụng cốc café bằng giấy tái chế từ năm 2006, hãng café này đã giúp giảm 78000 cây bị chặt mỗi năm. Công ty này cũng có liên kết với nhiều tổ chức môi trường trong nỗ lực thực hiện các hoạt động có ích cho cộng đồng.

Ngoài ra, còn vô số những thương hiệu nổi tiếng khác như Walmart, Bank of America, Coca-cola, Toyota, Dell, HP,… đang áp dụng những công nghệ xanh ngày càng nhiều vào trong chiến lược phát triển của mình.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, nhiều vốn mới có thể áp dụng công nghệ xanh vào trong sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng nhận ra rằng, việc sử dụng công nghệ xanh có thể tốn một khoản tiền đầu tư cao hơn một chút so với công nghệ thông thường, nhưng lại giúp tiết kiệm một khoản tiền lớn trong thời gian dài, tăng cường sản xuất và tính bền vững của thị trường nếu áp dụng đúng cách.

Randal Palach, CEO của NextEnergy, một doanh nghiệp nhỏ tại Detroit cho biết, công ty của ông đã áp dụng những phương pháp xanh ngay từ khi bắt đầu hoạt động, thay vì chuyển đổi từ từ như nhiều công ty khác. Mặc dù chi phí ban đầu có vẻ cao hơn, nhưng những chi phí về sau ngày càng thấp và tiết kiệm hơn.

Thêm vào đó, tại nhiều quốc gia những doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh vào trong hoạt động sẽ được hưởng nhiều ưu đãi của chính phủ. Ở Mỹ, doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh sẽ được gia hạn 5 năm để hoàn vốn theo chương trình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh.

Palach thống kê, nếu một doanh nghiệp nhỏ sử dụng thiết kế xanh và năng lượng mặt trời, chi phí có thể cao hơn khoảng 50%. Doanh thu về cũng không thể nhảy vọt ngay lập tức, tuy nhiên, vòng đời của công nghệ xanh sẽ tự hoàn trả lại vốn đầu tư ban đầu. Trong khi đó, công nghệ cũ có thể sẽ khiến doanh nghiệp nhỏ phải trả tốn thêm tới 75% chi phí bảo hiểm.

 

“Nếu nhìn vào chi phí theo từng tháng thì nó có vẻ cao hơn, nhưng chi phí quay vòng lại thấp hơn, và giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền. Đó là cách thu hồi vốn đầu tư hiệu quả nhất. Thêm vào đó, di chuyển theo mô hình xanh không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn tăng cường chất lượng cuộc sống của nhân viên”, Palach nói.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *